Ông cha "hốt rác"

[ point evaluation5/5 ]1 people who voted
Đã xem: 1662 | Cật nhập lần cuối: 9/21/2018 11:02:57 AM | RSS

Ông cha "hốt rác"

chúng tôi xin trích nguyên từ website ubdkcgvn.org.vn để quý vị đánh giá


Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ theo giấy khai sinh, sinh ngày 28/12/1941 tại xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Nhưng theo sổ Rửa tội, cha sinh ngày 19/01/1937. Theo học Đại chủng viện thánh Giuse, cha Từ được thụ phong linh mục ngày 14/5/1968 tại nhà thờ Chánh tòa Sàigòn do Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đặt tay. Sau đó cha được bổ nhiệm là phó xứ nhà thờ Vườn Xoài kiêm tuyên úy phong trào Thanh Lao Công Sài Gòn.

Năm 1969, khi cha đang là tuyên úy Thanh Lao Công (Thanh niên lao động Công giáo-viết tắt TLC) đi dự Đại hội TLC Quốc tế tại Beyrouth-Li Băng và qua Pháp tu nghiệp về phương pháp làm việc của TLC. Trải nghiệm một thực tế sôi sục của những người lao động đấu tranh cho quyền sống và được sống với một số linh mục thợ tại Pháp, cha bắt đầu đọc Tin Mừng theo một nhãn quan mới. Cha lựa chọn đứng về phía người nghèo, người lao động và về phía các dân tộc bị áp bức. Cũng từ đó cha có thiện cảm với cuộc đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc. Sau khi về Việt Nam vào cuối năm 1970, cha tham gia tích cực các cuộc đình công bãi thị của giai cấp công nhân, đấu tranh tại đô thị cùng với sinh viên, trí thức và để dấn thân triệt để hơn đối với thành phần nghèo khổ nhất, cha đã tình nguyện làm công nhân hốt rác trong hai năm 1973-1974. Lúc đó, nhiều người gọi cha bằng cái tên rất dễ thương là “linh mục hốt rác”. Cùng giai đoạn này, cha được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận nhân dân cứu đói và Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quyền lợi nhân dân lao động.

Ngay sau giải phóng miền Nam, cha được bầu làm Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Giải phóng và ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, thường trực Ủy ban Vận động Công giáo, rồi Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh. Từ 1983, cha được suy cử làm Phó Tổng Thư ký, rồi Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Năm 2013 tại Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VI; cha tiếp tục được đại hội suy cử là Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Năm 2016 là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cho đến nay.

Tự tin vào con đường đã chọn lựa, cha khẳng định: “Là linh mục Công giáo, tôi gắn bó với Giáo hội và vâng phục Đấng bản quyền, là công dân của Tổ quốc Việt Nam, tôi muốn cống hiến cuộc sống của mình cho Tổ quốc, cho đồng bào ruột thịt. Chính từ đó, tôi đã tìm được môi trường lý tưởng cho cuộc đời mình là Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam để cống hiến đời mình cho Chúa Kitô, cho đất nước và dân tộc”. Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam dạy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, “vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng động mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tư cách vừa là công dân vừa là thành phần dân Chúa” (TC 1980, số 9).

15 năm là đại biểu Quốc hội (1987-2002), cha hiểu rõ về trách nhiệm nhân dân trao phó, gần gủi với nhân dân, lắng nghe và phản ảnh nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân lao động và thành phần nghèo, người bất hạnh trong xã hội, chống bất công, tham nhũng để xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Khi trả lời câu hỏi: Để tiếp tục sự phát triển tích cực trong đời sống đạo- đời của đồng bào Công giáo và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo linh mục cần phải thực hiện đường hướng nào?

Cha Từ cho biết: Đường hướng của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã được xác định mạnh mẽ qua Sứ điệp Đại hội dân Chúa tháng 11/2010. Nội dung căn bản của Sứ điệp là: Hội Thánh phải đổi mới không ngừng để thật sự là Hội Thánh Chúa Kitô trong lòng quê hương Việt Nam. Hội Thánh tại Việt Nam phải hội nhập vào văn hóa và lịch sử của dân tộc mình. Hội Thánh ngày nay cũng phải dấn thân vào việc xây dựng đất nước về mọi mặt: văn hóa xã hội, cũng như kinh tế, chính trị, vì yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo, không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm. Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI còn xác định vị thế của người Công giáo Việt Nam khi nói: Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt. Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam đã chọn Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam làm cẩm nang cho mọi hoạt động. Tôi nguyện tiếp tục đi tiên phong trong sứ mạng này.

Về mục vụ xứ đạo, từ năm 1980 cha là chánh xứ Vườn Xoài, quận 3, TPHCM. Phục vụ tại giáo xứ với thời gian hơn 30 năm, cha đã cùng với quý cha phụ tá và cộng đoàn xây dựng công trình nhà thờ Vườn Xoài trong giai đoạn sau 1975. Ngôi nhà thờ đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh được chính thức cấp phép xây dựng sau 3 lần từng đặt viên đá đầu tiên trước đó nhưng không thể khởi công, trước năm 1975. Năm 2017, nhân thượng thọ bát tuần, cha xứ và giáo dân giáo xứ Vườn Xoài đã tổ chức thánh lễ tạ ơn, chúc mừng và cầu nguyện cho ngài. Cầu chúc ngài luôn khỏe mạnh, minh mẫn, thánh thiện để tiếp tục đóng góp cho các hoạt động xã hội, nhất là sứ mạng truyền giáo luôn ấp ủ nơi vị linh mục 80 tuổi đời.

Lĩnh vực từ thiện xã hội, một trong những gương điển hình tiên tiến của cả nước, phải kể đến linh mục Phêrô Phan Khắc Từ. Kể từ khi chịu chức linh mục vào năm 1968 tại Sài Gòn, cha đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp hoà bình và bảo vệ quyền của những người bị thiệt thòi. Là Phó chủ tịch hội Cứu trợ Trẻ em khuyết tật Việt Nam; một trong những người khởi xướng tổ chức ngày Quốc tế Người khuyết tật tại Việt Nam; Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng và bảo hộ trẻ em khuyết tật Thiên Phước; Giám đốc Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam, uỷ viên Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam…

Năm 1999, được sự giúp đỡ của linh mục Đông II Kim (người Hàn Quốc) cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước đã ra đời tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP. HCM. Với cương vị làm giám đốc, cha Từ đã mời các nữ tu Dòng Đức Mẹ Nhân ái đến hướng dẫn, nuôi dạy các cháu để các cháu được chăm sóc ăn uống, chữa bệnh, tập vật lý trị liệu. Trước tình hình trẻ em là nạn nhân chất độc da cam quá đông, năm 2004 linh mục đã xin mở thêm cơ sở thứ 2 tại số 156 khu phố 1, phường An Phú Đông, quận 12 TP. Hồ Chí Minh. Năm 2016 mở thêm cơ sở thứ ba tại phường 16, quận 8, TP HCM. Mặc dù đã có ba địa điểm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật mang tên Thiên Phước tại huyện Củ Chi, quận 12, quận 8 nhưng linh mục vẫn còn nhiều trăn trở, vì còn rất nhiều trẻ em khác là nạn nhân của chiến tranh cần được giúp đỡ nuôi dưỡng.

Không chỉ dừng lại ở mong muốn cho tất cả trẻ em khuyết tật là nạn nhân của chiến tranh cần được chăm sóc, nuôi dưỡng mà cha Từ còn muốn chất lượng cuộc sống của các em được cải thiện, giúp các em được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, được phát triển giáo dục và được sớm hoà nhập với cộng đồng. Nhưng thực tế, các cơ sở Thiên Phước hiện nay còn nghèo nàn, chưa cung cấp được những giải pháp chăm sóc trị liệu cho hàng trăm trẻ em nội trú và ngoại trú. Được sự ủng hộ, động viên và tạo điều kiện của các ban ngành đoàn thể, cha đã khởi xướng và gây dựng “Quỹ vì trẻ em khuyết tật Việt Nam”. Mục đích gây quỹ là để cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ em khuyết tật bằng cách tạo ra những cầu nối ổn định và lâu dài để hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và các dịch vụ khác nhằm phát triển tối đa tiềm năng của bản thân để trở thành những người tự lực và độc lập, hoà nhập được với cộng đồng. Những công việc nghĩa tình mà cha Phêrô đã và đang làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các trẻ em là nạn nhân chất độc da cam trong thời gian qua không những xứng đáng trở thành một gương tiêu biểu trong công cuộc “Vì nạn nhân chất độc da cam” mà còn góp phần tích cực cùng toàn thể xã hội xây dựng một đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Do những thành tích đã đạt, cha được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc và Huân chương Độc lập hạng Hai.

Nhân 50 năm linh mục của Chúa và của Giáo hội với 81 tuổi đời, tôi nhớ lại dịp thượng thọ bát tuần của cha Phêrô Phan Khắc Từ vào năm 2017, Trong ý nguyện đầu lễ và tiếp nối trong bài chia sẻ Tin Mừng, cha Giuse Trần Thanh Công (Chánh xứ Vườn Xoài đương nhiệm) đã mời gọi cộng đoàn cùng suy gẫm về ơn gọi của 2 thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và của mỗi người. Hai vị thánh còn nêu gương sáng cho chúng ta về sự từ bỏ tất cả để đi theo Người. Và “Khi theo Người, các ngài đã nhận thức sâu sắc và đầy niềm tin về một Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống”. Không những thế, bước theo Thầy còn là để phục vụ anh em và phục vụ như một tôi tá. Đời sống của 2 thánh nhân là bài ca về lòng nhiệt thành và đức tin mạnh mẽ. Chính vì thế, các ngài đã trở nên những viên đá sống động và là nền tảng cho ngôi nhà Giáo hội..” Với tất cả lòng biết ơn “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, giáo xứ xin ghi nhớ và cầu nguyện cho ngài. Cầu chúc ngài luôn khỏe mạnh, minh mẫn, thánh thiện để tiếp tục đóng góp cho các hoạt động xã hội, nhất là sứ mạng truyền giáo luôn ấp ủ nơi vị linh mục 80 tuổi đời.

Chúng ta cùng chia vui với cha Phêrô và tiếp tục cầu nguyện theo tâm nguyện của ngài: “Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc. Lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ con” (TV 71).

Fx. Đỗ Công Minh

nguồn: http://ubdkcgvn.org.vn/vi/guong-dien-hinh/2018/06/81E20EED/ong-cha-hot-rac/