HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

[ point evaluation5/5 ]11 people who voted
Đã xem: 13779 | Cật nhập lần cuối: 4/14/2024 3:04:37 PM | RSS

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

   Lịch sử: Hội Thừa sai Việt Nam được Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam quyết định thành lập năm 1971, và được trao cho Đức Tgm. Philipphê Nguyễn Kim Điền đặc trách.

   Khi Hội được báo cáo cho Toà Thánh, các ban ngành liên hệ, như Đức Khâm sứ Toà Thánh tại Việt Nam, Đức Hồng y Tổng trưởng và Đức Giám mục Tổng Thư ký Bộ Truyền giáo, rồi cuối cùng chính ĐTC Phaolô VI đã có văn thư bày tỏ sự ưng thuận và khích lệ.

   Bắt tay vào việc, Đức cha đặc trách đã soạn thảo một Quy chế và đệ trình lên HĐGM. Quy chế này được chuẩn y ngày 23-8-1972 để thử nghiệm trong vòng 3 năm.

   Ngày 1-9-1972, Đức cha đặc trách đã gửi tới các linh mục Việt Nam một lá thư ngỏ trình bày nguồn gốc, đường hướng và Quy chế tạm thời của Hội Thừa sai Việt Nam.

   Trong hơn hai năm hoạt động, tính tới 1975, Hội đã có được 75 thành viên, gồm 6 cộng đoàn, 3 gia đình thừa sai và 1 Đại chủng viện Thừa sai (chính thức thành lập ngày 7-8-1974). Sau biến cố 1975, hoàn cảnh đã thay đổi và sinh hoạt của Hội cũng bị ngưng trệ. Đức Tgm. Philipphê Nguyễn Kim Điền không thể gặp gỡ thường xuyên anh em thừa sai như trước. Nên vào năm 1978, HĐGM đã quyết định trao Hội cho Đức Tgm. Phaolô Nguyễn Văn Bình. Vì quá bận nhiều việc, Đức cha Bình lại trao việc điều hành và huấn luyện cho các cha trong Hội. Sinh hoạt của Hội gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt từ 19-3-1992, khi Hội được Đức cha Tổng Thư ký Emmanuel Lê Phong Thuận, thay mặt HĐGM Việt Nam, đề nghị ngưng hoạt động vì tình trạng yếu kém về nhân sự của Hội.

   Khi có lệnh ngưng hoạt động, nhiều anh em đã tìm đường khác để tiến thân, nhưng một số vẫn tha thiết với lý tưởng Thừa sai, nên ngày 5-10-1998, Hội đã đệ trình lên Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng một thỉnh nguyện thư, xin can thiệp với HĐGM để Hội được sinh hoạt trở lại. Thỉnh nguyện đã được HĐGM chấp thuận trong khoá họp tháng 10-1999, Hội đã chính thức có giám mục đặc trách mới là Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, giám mục giáo phận Phú Cường.

   Quy chế Hội Thừa sai Việt Nam đang sử dụng đã được HĐGM Việt Nam chuẩn y ngày 23-8-1972 chỉ có tính cách tạm thời, còn rất đơn sơ, được soạn thảo trong hoàn cảnh khác với hiện nay, và đã hết hạn từ lâu, nên cần được cập nhật hoá. Đức cha đặc trách và ban điều hành dự trù soạn thảo một Quy chế mới để đệ trình lên HĐGM.

   Bổn mạng: Lễ Các Thánh Việt Nam, 24-11.

   Mục đích:

   - Để Giáo hội Việt Nam tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa đã ban đức tin cho dân tộc mình từ năm 1533.
   - Để Giáo hội Việt Nam chia sẻ với Giáo Hội toàn cầu bổn phận truyền giáo cho các dân tộc (x. TG, số 20).
   - Nhất là để tín hữu Việt Nam tích cực sống đạo hơn vì càng truyền giáo thì đức tin càng mạnh mẽ.

   Tổ chức: Vì Hội thể hiện nhiệm vụ đặc biệt của HĐGM Việt Nam, nên Hội có nhiệm vụ quy tụ, đào tạo, hướng dẫn các nhà truyền giáo Việt Nam, thuộc mọi thành phần Dân Chúa (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân độc thân, hay có gia đình)  ra đi rao giảng Tin Mừng giữa lương dân trong cũng như ngoài nước theo tinh thần Sắc lệnh Truyền giáo Ad gentes của Công đồng Vatican II (số 23).

   Nhân sự hiện nay: Hội có 5 cộng đoàn chính thức (trụ sở, thần học, triết học, ứng sinh, thực tập và truyền giáo) với 8 linh mục cộng tác trong việc điều hành huấn luyện, 52 thành viên đang theo học, thực tập hay thử luyện: anh em đã học xong Thần học 13, đang học Thần học 7, đang học Triết học 14, đang thực tập truyền giáo 7,  đang học đại học 11.

   Điều kiện tuyển chọn và quy trình huấn luyện: Hội Thừa Sai Việt Nam có 3 ngành: linh mục, tu sĩ và giáo dân.

   - Đối với các ứng sinh linh mục và tu sĩ (trợ tá thừa sai): quy trình huấn luyện được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn đại học và giai đoạn đại chủng viện. Để được nhận vào ứng sinh đại học, các ứng sinh phải thi đậu hay đang học tại một trường đại học nào đó. Sau khi tốt nghiệp đại học, các ứng sinh sẽ học chương trình đại chủng viện.

   Cả trong thời gian đại học lẫn đại chủng viện, ngoài những môn học của trường, các ứng sinh phải học thêm những môn chuyên biệt về truyền giáo như: tìm hiểu về các tôn giáo, các nền văn hoá, đối thoại, hội nhập văn hoá, nhất là truyền giáo học.

   - Đối với các gia đình thừa sai: sẽ do Quy chế mới quy định. Hiện Đức cha đặc trách và Ban Điều hành đang soạn thảo một quy chế mới, nhằm bổ sung cho quy chế tạm thời năm 1972 và sẽ đệ trình lên HĐGM VN.

   Địa chỉ liên lạc:
   Hội Thừa sai Việt Nam
   C/o: Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ
   Toà Giám Mục Phú Cường
   444 Cách Mạng Tháng Tám, phường Hiệp Thành,
   Tx. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.